Chuẩn độ là một kỹ thuật phân tích được sử dụng rộng rãi. Kỹ thuật này có thể dùng để phân tích và kiểm soát chất lượng sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp như Dược phẩm, Hóa chất, Hóa dầu, Thực phẩm và Đồ uống v.v. Chuẩn độ có thể xác định các thông số như độ axit, độ kiềm, ion kim loại và thành phần dược phẩm hoạt tính. Để xác định hàm lượng nước, cần dùng một phương pháp chuẩn độ đặc biệt được gọi là Chuẩn độ Karl Fischer.
Chuẩn độ là xác định hàm lượng của một chất cụ thể (chất cần phân tích) có trong mẫu bằng cách thêm một cách có kiểm soát vào mẫu đó một thuốc thử (chất chuẩn độ) đã biết nồng độ dựa trên phản ứng hóa học hoàn toàn giữa chất đó và thuốc thử. Chất chuẩn độ được thêm vào cho đến khi phản ứng kết thúc (điểm tương đương).
Cách truyền thống để theo dõi một phản ứng chuẩn độ là thêm một chất chỉ thị phù hợp vào chất cần phân tích; chất này sẽ đổi màu khi phản ứng hóa học kết thúc (điểm cuối chuẩn độ). Ngày nay, người ta có thể theo dõi phản ứng hóa học và điểm cuối này bằng cảm biến.
Tại sao việc cân chính xác lại quan trọng?
Có thể tính toán được hàm lượng của chất cần phân tích dựa trên lượng tiêu hao và nồng độ của chất chuẩn độ cùng với trọng lượng của mẫu được sử dụng. Vì vậy việc cân chính xác các chất được sử dụng để chuẩn bị dung dịch chuẩn độ và dung dịch mẫu cần phân tích là cực kỳ quan trọng. Chỉ bằng cách chuẩn bị mẫu chính xác mới đảm bảo được kết quả chuẩn độ chính xác.